Lý thuyết Bốn Lò Lửa: Cân bằng công việc và cuộc sống

Bạn từng ước rằng một ngày có thể dài hơn 24 giờ đồng hồ?
Bạn luôn cảm thấy mình bị thời gian rượt đuổi: đi ngủ với một “to-do list” dài dằng dặc trong đầu, luôn trong trạng thái bận rộn và kiệt sức vì các đầu việc phải làm không bao giờ dứt?
Bạn đang tìm kiếm một phương pháp giúp cân bằng công việc và đời sống cá nhân?
Bài viết dưới đây hy vọng san sẻ những trăn trở ấy cùng bạn bằng cách phân tích những ưu, nhược điểm của thuyết Bốn lò lửa nhằm mang lại những lời khuyên hữu ích giúp bạn tối ưu chất lượng cuộc sống.

Thuyết Bốn lò lửa là gì?

Thuyết Bốn lò lửa (The four burners theory) được hiểu là: Hãy tưởng tượng rằng cuộc sống của bạn như một cái bếp có bốn lò. Mỗi lò biểu tượng cho một mặt của cuộc sống: Lò thứ nhất là gia đình, lò thứ hai là bạn bè (hoặc các mối quan hệ xã hội nói chung), lò thứ ba là sức khoẻ, lò thứ tư là công việc. Thuyết Bốn lò lửa cho rằng: “Để thành công, bạn phải tắt đi một trong bốn lò. Và để thành công xuất sắc, bạn phải tắt đi hai trong số bốn lò.”

Điều này có nghĩa là, cái gọi là “cân bằng cuộc sống” thực ra không bao giờ là hoàn hảo, bạn khó có thể vừa lo cho gia đình chu toàn, lại vừa có thời gian với bạn bè, vừa chăm sóc sức khoẻ cá nhân, lại vừa tập trung được cho công việc. Mà có chăng, nếu bạn có làm được tất cả mọi thứ cùng lúc như vậy, thì chất lượng mỗi thứ cũng sẽ khó có thể tốt được vì bạn bị phân tâm, dàn trải quá nhiều.

Vậy nên, để nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống, chúng ta cần hiểu đúng về “cân bằng”.

Tái định nghĩa về sự “cân bằng”

“Cân bằng công việc và đời sống cá nhân” (work – life balance) là một chủ đề đã và đang được bàn luận qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, không biết tự bao giờ, người ta lại đặt những thứ này lên một cán cân – với công việc ở một bên và những yếu tố thuộc về đời sống cá nhân như gia đình, các mối quan hệ, sở thích và sự phát triển cá nhân ở bên còn lại – như thể đây là hai phần riêng lẻ và không liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là hai phần không thể tách rời trong cuộc sống của mỗi con người. Vì thế, cân bằng công việc và đời sống sao cho 50/50 là điều không thể. Thay vào đó, dung hòa là cách thực tế và khả thi hơn nhiều để nâng cao chất lượng cuộc sống. Oprah Winfrey cũng từng nói: “Chúng ta có thể có tất cả mọi thứ, chỉ là không phải tất cả cùng một lúc.” 

“Cân bằng” là một định mức cá nhân và mỗi chúng ta không nhất thiết phải có cùng một ngưỡng cân bằng. Nếu bạn là một người đam mê làm việc, bạn cảm thấy làm việc khiến bạn hạnh phúc hơn là gặp gỡ bạn bè, ngồi xem Netflix, thì hãy cứ làm thật hăng say. Cân bằng không phải là “cân” hết, mà là “cân” những thứ thực sự quan trọng đối với bạn.

Thuyết Bốn lò lửa cho ta những lời khuyên gì?

1. Chấp nhận rằng cuộc sống là một chuỗi các lựa chọn không hoàn hảo

Tôi có một người bạn làm nhân viên văn phòng. Thế nhưng, từ lâu cô bạn của tôi không còn tìm thấy niềm vui trong công việc hiện tại, nhưng đồng thời cũng không đủ can đảm để rời đi. Cô lặp lại các đầu việc mỗi ngày như một cái máy, tăng ca đến tối muộn, ôm việc về nhà… và luôn bị gia đình, bạn bè, người yêu trách móc vì cô không có  thời gian dành cho họ. Cuộc sống của cô bạn tôi không những tẻ nhạt mà còn trở nên căng thẳng tột độ. Những điều ấy khiến cô từ một người cởi mở lại trở nên tự thu mình và né tránh các cuộc vui.

Cô tâm sự những điều này với một người anh làm công nghệ, anh trả lời rằng: “Trong đời này không có thời điểm nào là hoàn hảo để bắt đầu một thứ cả. Ở những chỗ anh từng làm qua, anh chưa bao giờ được làm thứ mà anh thực sự muốn làm. Thế là anh khởi nghiệp, mặc dù trước đây anh chưa bao giờ có ý định đó. Giờ đây anh có nhiều mối lo hơn, không còn được ngủ nhiều như trước, nhưng bù lại anh được làm những dự án mà anh thích – nhỏ thôi nhưng không rập khuôn. Không có hạnh phúc nào mà không cần đánh đổi cả. Nếu sự cân bằng, ổn định hiện tại không khiến em vui, thì sao em lại ngại thay đổi?”

2. Mở rộng tối đa các giới hạn

Theo Mark Forster – chuyên gia nghiên cứu về các phương pháp quản lý thời gian chia sẻ, hãy lập một danh sách giới hạn những việc cần làm thay vì một danh sách dài dằng dặc các đầu việc. Trong đó, cần cài đặt những mục tiêu chi tiết, rõ ràng và cố gắng đảm bảo tiến độ. Nếu tập trung vào tiến bộ, bạn sẽ dễ dàng theo dõi hơn là chỉ chăm chăm vào đích đến. 

Đồng thời, tập trung là yếu tố then chốt giúp bạn tận dụng hiệu quả các khoảng thời gian mà bạn có để hoàn thành một việc nào đó. Hãy cố gắng loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng cho bạn: mạng xã hội, những câu chuyện phiếm từ đồng nghiệp và các yếu tố liên quan đến không gian làm việc… Thay vì nghĩ bạn là “nạn nhân” của thời gian, hãy nắm lấy thế chủ động, mở rộng tối đa các giới hạn để trong một thời gian ngắn có thể làm việc hiệu quả và tối ưu nhất.

3. Nhìn nhận cuộc đời theo từng “mùa”

Thuyết Bốn lò lửa khuyên bạn nên “chia nhỏ” cuộc đời theo từng mùa, hay nói đúng hơn là từng giai đoạn. Thay vì tìm kiếm sự hoàn hảo mọi lúc, mọi nơi, tại sao ta không thử tập trung vào một vài mảng theo từng khoảng thời gian nhất định? Hay nói cách khác, độ ưu tiên của bốn lò lửa sẽ có sự thay đổi trong cuộc đời của bạn.

Có thể ví dụ như: tuổi 20-30 là thời điểm con người ta chưa có con cái, dễ dàng tập trung vào sự nghiệp và rèn luyện thể chất. Lúc này, hai lò “công việc” và “sức khoẻ” cháy mạnh nhất. Vài năm sau, khi đã có gia đình, chúng có thể cháy nhỏ hơn, trong khi lò “gia đình” lại cần cháy mạnh mẽ. Một vài thập kỷ qua đi, khi gia đình đã ổn định, bạn lại muốn nối lại tình bạn và các kế hoạch kinh doanh từng bị gác lại. Khi đó, lò “bạn bè” và “công việc” lại cháy mạnh hơn.

Điểm yếu của Thuyết Bốn lò lửa

Vướng mắc lớn nhất của Thuyết Bốn lò lửa là nó luôn mang lại cảm giác bạn chưa làm được đúng như khả năng. Bởi có một sự thật là, rất nhiều người khi nghe qua Thuyết Bốn lò lửa sẽ có phản ứng tìm cách để “lách luật”. Liệu có thể vừa thành công vừa giữ cả bốn lò lửa cháy? Liệu mình có thể gộp hai lò làm một? Chẳng hạn như nhóm chung gia đình và bạn bè (thay vì ra ngoài tụ tập, bạn mời họ về nhà và tổ chức những bữa tiệc quây quần với cả các thành viên trong gia đình…); hay là nhóm chung sức khoẻ và công việc (bạn có thể đến văn phòng bằng thang bộ thay vì thang máy vào mỗi sáng để tranh thủ rèn luyện sức khỏe…).

Thuyết Bốn lò lửa giúp ta chọn ra khía cạnh ưu tiên trong những giai đoạn nhất định của cuộc đời, nhưng cũng bộc lộ điểm yếu của nó ở chỗ: không phải cuộc sống lúc nào cũng theo đúng kế hoạch của chúng ta. Cuộc đời vốn luôn vô thường và hữu hạn, thế nên chúng ta không thể lường trước được bất cứ điều gì. Có thể, khi còn trẻ, ta cố gắng cho bếp lò “công việc” ngùn ngụt cháy mà không quan tâm, chăm sóc cho gia đình hay nuôi dưỡng các mối quan hệ bạn bè. Đến khi đạt được thành tựu vẻ vang trong công việc, những biến cố, bệnh tật bất ngờ ập đến khiến người thân của bạn không còn nữa, bạn bè đều quay lưng vì sự xa cách lâu ngày (và còn rất rất nhiều tình huống khác nữa mà chúng ta không thể tiên liệu được). Lúc ấy, bạn có dồn hết tâm sức, dành hết thời gian để cố gắng vặn to những lò lửa đã từng bị “tắt” đi ấy cũng không thể nào làm được nữa. Vậy nên, thay vì tắt hẳn một hoặc hai bếp lò nào đó để có thể thành công như mặt lý thuyết, nhiều người cho rằng họ có thể giữ cho chúng luôn cháy “riu riu”.

Kết

Mọi lý thuyết hay triết lý sống và làm việc nào cũng có những ưu, nhược điểm của nó. Có được cái nhìn tổng quan về chúng sẽ giúp ta dễ dàng vận dụng một cách linh hoạt với điều kiện đời sống, tư duy và công việc cá nhân để thay đổi cuộc sống của chính mình. 

Trên hành trình khai phá Thuyết Bốn lò lửa để tìm về sự cân bằng công việc và cuộc sống, chúng ta cần những phương pháp làm việc thông minh. Nếu bạn muốn giữ cả bốn bếp lò trong cuộc đời mình luôn đỏ lửa, hãy thử trải nghiệm một ngày làm việc tập trung và năng suất với công cụ quản lý công việc Tictop.

Với Tictop, bạn có thể tận dụng tối đa thời gian làm việc trong ngày bằng cách tập trung hoàn thành các đầu việc được lên kế hoạch. Tictop được tích hợp nhiều tính năng thông minh giúp bạn dễ dàng trao đổi công việc, tạo các cuộc họp ngắn, quản lý các tệp tài liệu, hình ảnh… tại một phần mềm duy nhất mà không bị xao nhãng bởi hàng loạt thông báo từ các trang mạng xã hội khác nhau khi giao và nhận việc. Tictop mong muốn tối ưu nhất có thể khoảng thời gian làm việc của bạn, từ đó giúp bạn “vặn” to những bếp lò còn lại một cách trọn vẹn. Hãy truy cập www.tictop.vn để tìm hiểu thêm về Tictop bạn nhé!

Tictop team.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x